Sản phẩm đã xem (0)

Dược Liệu Chứa Tinh Dầu, Chất Nhựa

Khái niệm

Tinh dầu là hỗn hợp của nhiều hợp chất thiên nhiên, có mùi đặc trưng gặp nhiều trong thực vật, có trong động vật, bay hơi ngoài không khí ở nhiệt độ thường, không để lại vết trên giấy, có thể điều chế từ thảo mộc bằng phương pháp cất kéo hơi nước. Tinh dầu rất ít tan trong nước, tan tốt trong dầu béo và các dung môi hữu cơ.

Tinh dầu có thể sử dụng trực tiếp hoặc chế ra các chất thơm khác đáp ứng các nhu cầu xã hội (Thuốc, chất thơm thực phẩm, nước hoa...)

Concrete oil: Sản phẩm chiết xuất hương thơm thu được từ thực vật khi dùng phương pháp chiết xuất với dung môi, sau khi bốc hơi dung môi phần còn lại được gọi là Concrete oil thường có chứa sáp và ở thể đặc.

Pomade: Chất béo thơm được lấy từ các loại hoa bằng phương pháp chiết lạnh hay chiết nóng

Absolute oil: khi hoà tan Concrete oil, Pomade trong cồn nồng độ cao, để lạnh phần sáp bị đông đặc, lọc loại bỏ phần này, phần còn lại đem cất kéo hơi nước, sản phẩm thu được có tên Absolute oil

Water absolute oil: một số trường hợp khi cất kéo hơi nước một lượng đáng kể tinh dầu nằm trong nước ở dạng nhũ dịch. Tinh dầu này được chiết ra bằng dung môi, sau khi bốc hơi thu được "Water absolute oil"

Rhodinol, Rhodinal: Rhodinol là hỗn hợp các thành phần có nhóm chức alcol trong tinh dầu, Rhodinal là hỗn hợp các thành phần có nhóm chức aldehyd trong tinh dầu

Cấu tạo và phân loại tinh dầu

Thành phần cấu tạo của tinh dầu khá phức tạp, có nhiều cách phân loại khác nhau. Căn cứ vào cấu tạo phân tử có thể chia tinh dầu thành 4 nhóm chính:

Tinh dầu có thành phần là các hợp chất aliphatic *

Chuỗi nguyên tử carbon của các hợp chất aliphatic có thể là mạch thẳng, mạch nhánh, một số liên kết giữa các nguyên tử carbon có thể không no. Các hydrocarbon, aliphatic thường có nhiều trong hoa quả, góp phần rất nhỏ trong quyết định mùi, vị của chúng.

- Những hydrocarbon không no cao như

1,3-trans-5-cis-undecatrien và 1,3-trans-5-trans-undecatrien có vai trò quan trọng trong tạo mùi thơm của tinh dầu galbanum (Ferula galbaniflua (Boiss.et Buhse)

  • Mùi thơm nhẹ của các alcol aliphatic giữ vai trò đáng kể là bộ phận cấu thành trong các cấu trúc thơm. Một số alcol không bão hoà rất có giá trị. Cis-3-hexen-1-ol có mùi đặc trưng tươi mát dễ chịu gặp ở Chè (Camelia sinensis) vàmột vài loài dâu tằm (Morus spp.). Các đồng phân của chúng có dạng cis-2-hexen-1-ol thường gặp trong nhiều loại quả với hương dịu ngọt.

  • Các aldehyt alphatic là những thành phần quan trọng trong các hương liệu và nước hoa.
  • Trong tinh dầu của các loài thuộc chi Cam quýt (Citrus spp.) có chứa nhiều hợp chất n-octanol, n-nonanal, n-decanal và n-undecanal...
  • Các ceton aliphatic 3-hydroxy-2-butanon và diacetyl (2,3-butanedion) thường gặp trong tự nhiên là những hợp chất tạo nên hương vị thơm của một số thực phẩm.

Các ester aliphatic là những chất thơm thường được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. (Một số hợp chất aliphatic thơm)

Tinh dầu có thành phần là các terpen và những dẫn chất của chúng

Nhiều tinh dầu có thành phần là terpen (C5H8)n và dẫn chất terpen. Người ta thường chia thành các nhóm nhỏ monoterpen (C5H8)2 = C10H16, secquiterpen (C5H8)3 = C15H24, diterpen (C5H8)4 = C20H32

Các monoterpen (ascaridol, borneol, camphor, carvon, 1,8-cineol, citral, citronellal, elsholtziaceton, geraniol, limonen, linalool, menthofuran, menthol

caryophylen, β-caryophylen (tinh dầu lá lốt - Piper lolot )

nerolidol (Hoa bưởi - Citrus maxima (Burm.) Merr.; Long não - Cinnamomum camphora (L.) J.S.Presl. secquiterpen type), farnesol.

Thuộc nhóm này còn có các hợp chất Azulen như guajazulen, vetivazulen, camazulen.

Các hợp chất sesquiterpenlacton không phải là tinh dầu nhưng là tiền chất của azulen nên có thể được xếp vào nhóm này. Ví dụ: sausurea lacton, santonin, artemisinin.

Tinh dầu có thành phần là các dẫn chất có nhân thơm:

Tinh dầu có thành phần pha tạp

Một số hệ thống phân loại người ta chia thành 5 nhóm:

  • Các monoterpen mạch thẳng
  • Các monoterpen một vòng
  • Các monoterpen hai vòng.
  • Các dẫn chất của sesquiterpen
  • Các dẫn chất có nhân thơm

Tính chất lý, hoá của tinh dầu

Thể chất: Ða số là chất lỏng ở nhiệt độ thường, một số thành phần ở thể rắn: Menthol, borneol, camphor, vanilin, heliotropin.

Màu sắc: Thường không màu hoặc màu vàng nhạt. Trong quá trình bảo quản do hiện tượng oxy hoá tinh dầu có thể bị sẫm màu. Một số có màu đặc biệt: Các hợp chất azulen có màu xanh mực.

Mùi: Ðặc biệt, đa số có mùi thơm dễ chịu, một só có mùi hắc, khó chịu (tinh dầu giun).

Vị: cay, một số có vị ngọt: Tinh dầu quế, hồi.

Bay hơi được ở nhiệt độ thường.

Tỷ trọng: Ða số nhỏ hơn 1. Một số lớn hơn 1: Quế, đinh hương, hương nhu. Tỷ lệ các thành phần chính có tỷ trọng lớn hơn 1 (aldehyd cinnamic, eugenol, safrol, asaron, methyl salicylat ...) quyết định tỷ trọng tinh dầu. Nếu hàm lượng các thành phần chính thấp, những tinh dầu này có thể trở thành nhẹ hơn nước.

Ðộ tan: Không tan, hay đúng hơn ít tan trong nước, tan trong alcol và các dung môi hữu cơ khác.

Ðộ sôi: Phụ thuộc vào thành phần cấu tạo, có thể dùng phương pháp cất phân đoạn để tách riêng từng thành phần trong tinh dầu.

Năng suất quay cực cao, tả tuyền hoặc hữu tuyền.

Chỉ số khúc xạ: 1,4500 - 1,5600

Rất dễ oxy hoá, sự oxy hoá thường xảy ra cùng với sự trùng hiệp hoá, tinh dầu sẽ chuyển thành chất nhựa.

Một số thành phần chính trong tinh dầu cho các phản ứng đặc hiệu của nhóm chức, tạo thành các sản phẩm kết tinh hay cho màu, dựa vào đặc tính này để định tính và định lượng các thành phần chính trong tinh dầu.


Phân bố tinh dầu trong tự nhiên

+ Tinh dầu được phân bố rất rộng ở trong hệ thực vật, đặc biệt tập trung nhiều ở một số họ: Họ Cần - Apiaceae, họ Cúc - Asteraceae, họ Bạc hà - Lamiaceae, họ Long não - Lauraceae, họ Sim - Myrtaceae, họ Cam - Rutaceae, họ Gừng - Zingiberaceae v.v.. Một số động vật cũng có chứa tinh dầu: Hươu xạ, cà cuống...

+ Phân bố trong cây: Tinh dầu có trong tất cả các bộ phận của cây:

Lá: Bạc hà, Tràm, Bạch đàn

Bộ phận trên mặt đất: Bạc hà, Hương nhu

Hoa: Hoa hồng, Hoa nhài, Hoa bưởi

Nụ hoa: Ðinh hương

Quả: Sa nhân, Thảo quả, Hồi

Vỏ quả: Cam, Chanh

Vỏ thân: Quế

Gỗ: Long não, Vù hương

Rễ: Thiên niên kiện, Thạch xương bồ

Thân rễ: Gừng, Nghệ

+ Trong cùng một cây, thành phần hoá học tinh dầu ở các bộ phận khác nhau có thể giống nhau về mặt định tính: Ví dụ như tinh dầu vỏ và lá Quế Cinnamomum cassia thành phần chính đều là aldehyd cinnamic, nhưng cũng có thể rất khác nhau: Ví dụ tinh dầu vỏ và lá Quế Cinnamomum zeylanicum (vỏ: aldehyd cinnamic, lá: eugenol), tinh dầu gỗ và lá Vù hương Cinnamomum parthenoxylon (gỗ: safrol, lá: methyleugenol hoặc linalol).

+ Vai trò của tinh dầu trong cây

Tinh dầu được tạo thành trong các bộ phận tiết của cây:

Tế bào tiết:

- Ở biểu bì cánh hoa: Hoa hồng

- Nằm sâu trong các mô: Quế, Long não, Gừng...

Lông tiết: Họ Lamiaceae: Bạc hà, Hương nhu

Túi tiết: Họ Myrtaceae: Tràm, Bạch đàn, Đinh hương.

Ống tiết: Họ Apiaceae: Tiểu hồi, hạt mùi

+ Hàm lượng tinh dầu trong cây: Hàm lượng tinh dầu thường dao động từ 0,1% đến 2%. Một số trường hợp trên 5% như ở quả hồi (5 - 15%) và nụ hoa Đinh hương (15-25%), quả Màng tang (4-10%).

Thu tinh dầu từ dược liệu: Các phương pháp được áp dụng để chế tạo tinh dầu:

1. Phương pháp cất kéo hơi nước.

2. Phương pháp chiết xuất bằng dung môi.

3. Phương pháp ướp.

4. Phương pháp ép.

Tuỳ thuộc vào yêu cầu về chất lượng trong sử dụng, bản chất của dược liệu và giá thành để lựa chọn phương pháp thích hợp. Thông thường phương pháp cất kéo hơi nước được áp dụng rộng rãi nhất.

PHƯƠNG PHÁP CẤT KÉO HƠI NƯỚC 

a. Nguyên tắc: Dựa trên nguyên tắc cất một hỗn hợp 2 chất lỏng bay hơi được không trộn lẫn vào nhau (nước và tinh dầu). Khi áp suất hơi bão hoà bằng áp suất khí quyển, hỗn hợp bắt đầu sôi và hơi nước kéo theo hơi tinh dầu. Hơi nước có thể đưa từ bên ngoài do các nồi hơi cung cấp hoặc tự tạo trong nồi cất.

b. Các bộ phận của một thiết bị cất tinh dầu: 

Nồi cất: 

Hình trụ, làm bằng thép không gỉ, tôn mạ kẽm, đồng. Ðiều kiện cất thủ công có thể sử dụng thùng phuy đựng xăng.

Cần lưu ý tỷ lệ giữa đường kính (D) và chiều cao của nồi (H). Thông thường?

D? ?= _____1____

 H             1,2-1,5

Với nồi cất công nghiệp hơi nước được đưa vào bằng các ống dẫn hơi, ở qui mô thủ công, nước chứa sẵn trong nồi, và dược liệu được đặt trên một tấm vỉ, tránh tiếp xúc với đáy nồi (Hình 7.4 và 7.5).

Ống dẫn hơi: (thường được gọi là vòi voi).

Ống dẫn hơi có nhiệm vụ dẫn hơi nước và hơi tinh dầu qua bộ phận ngưng tụ. Ngoài ra dưới tác dụng của không khí lạnh bên ngoài làm ngưng tụ một phần hơi nước và hơi tinh dầu thành thể lỏng. Vì vậy ống dẫn hơi nên có độ dốc nghiêng về phía bộ phận ngưng tụ.

Bộ phận ngưng tụ:

Bộ phận ngưng tụ có nhiệm vụ hoá lỏng hơi nước và hơi tinh dầu từ nồi cất chuyển sang. Gồm 2 bộ phận: Thùng chứa nước làm lạnh và ống dẫn hơi. Ống dẫn hơi được ngâm trong thùng nước lạnh và được làm lạnh theo qui tắc ngược dòng. 

Các kiểu ống dẫn hơi được làm lạnh thông dụng: 

- Kiểu ống xoắn ruột gà: Diện tích làm lạnh lớn nhưng khó làm vệ sinh, nước và tinh dầu hay đọng lại ở các đoạn gấp khúc. 

- Kiểu ống chùm: Là kiểu thông dụng nhất. 

- Kiểu hình đĩa: Là sự kết hợp giữa ống chùm và ống xoắn ruột gà (Hình 7.6). 

Bộ phận phân lập: 

Bộ phận phân lập có nhiệm vụ hứng chất lỏng là nước và tinh dầu và tách riêng tinh dầu ra khỏi nước: Tinh dầu nặng hơn nước ở phía dưới, tinh dầu nhẹ hơn nước ở phía trên. Có nhiều kiểu bình (hay thùng) phân lập khác nhau nhưng đều có cùng một nguyên tắc: Nguyên tắc kiểu bình florentin (Hình 7.7). 

Một số trường hợp đặc biệt 

Nồi cất 2 thân: (thiết kế của Trường đại học Bách Khoa). 

Thân nồi 1 được gắn cố định trong lò, có nhiệm vụ chứa nước và chuyển lượng nước này thành hơi trong suốt quá trình cất. Thân nồi 2 di động được, có nhiệm vụ chứa dược liệu. Sự cải tiến này tạo điều kiện thuận lợi khi tháo bã ra khỏi bộ phận cất. 

Ðể chế tạo tinh dầu có chứa các thành phần chính là các hợp chất kết tinh ở nhiệt độ thường (long não, đại bi), người ta còn thiết kế bộ phận ngưng tụ tinh dầu theo kiểu hình đèn xếp. 

Một số lưu ý khi chế tạo tinh dầu bằng phương pháp cất: 

1. Ðộ chia nhỏ dược liệu phải phù hợp với bản chất dược liệu. Những dược liệu chứa tinh dầu nằm trong tế bào ở sâu trong các mô, cần chia nhỏ đến tỷ lệ thích hợp.

2. Thời gian cất tuỳ theo bản chất của dược liệu và tính chất của tinh dầu. Với tinh dầu giun cần cất nhanh, nếu không tinh dầu sẽ bị phân huỷ (30 phút).

3. Tinh dầu sau khi thu được cần phải loại nước triệt để bằng phương pháp ly tâm. 

Hình 7.4. Sơ đồ nồi cất tinh dầu thủ công NC77 

Hình 7.5. Sơ đồ thiết bị cất tinh dầu trong công nghiệp

A: Kiểu ống chùm

B: Kiểu xoắn ruột gà

Hình 7.6. Sơ đồ bộ phận làm lạnh

Hình 7.7. Sơ đồ bộ phận phân lập

A: Ðể tách tinh dầu nhẹ hơn nước

B: Ðể tách tinh dầu nặng hơn nước

C, D: Ðể tách tinh dầu nhẹ và nặng hơn nước

PHƯƠNG PHÁP DÙNG DUNG MÔI (Chiết):

- Dung môi không bay hơi: Dầu béo hoặc dầu paraphin. Ngâm dược liệu (thường là hoa) trong dung môi đã được làm nóng 60-700C, trong 12-48 giờ tuỳ theo từng loại hoa. Làm nhiều lần cho đến khi dung môi bão hoà tinh dầu (10-15 lần). Dùng alcol để tách riêng tinh dầu khỏi dầu béo và cất thu hồi alcol dưới áp lực giảm sẽ thu được tinh dầu.

- Dung môi dễ bay hơi: Phương pháp này hay dùng để chiết xuất tinh dầu trong hoa hoặc để chiết xuất 1 thành phần nhất định nào đấy. Dung môi thường dùng là ete dầu hoả, xăng công nghiệp v.v.. Sau khi chiết, cất thu hồi dung môi dưới áp lực giảm sẽ thu được tinh dầu có lẫn sáp và một số tạp chất khác và thường ở thể đặc. Loại tinh dầu này trên thị trường có tên "Concrete oil". Hoà tan Concrete oil bằng một ít cồn cao độ, tinh dầu sẽ tan trong cồn, để lạnh, lọc bỏ phần sáp, phần dung dịch còn lại được đem cất kéo hơi nước. Tinh dầu thu được sau khi cất có tên trên thị trường là "Absolute oil". Những tinh dầu được điều chế bằng phương pháp này thường rất thơm, giá thành cao và được dùng để điều chế mỹ phẩm và nước hoa cao cấp. Trên thị trường ta thường gặp một số tinh dầu như Cassie flower absolute oil (tinh dầu hoa Keo thơm, Acacia farnesiana), Genet absolute oil (tinh dầu Ðậu móng điều, Spartium junceum), Orange flower absolute oil (Tinh dầu Hoa cam đắng, Citrus aurantium ssp. amara), Rose concrete oil và Rose absolute oil (Tinh dầu hoa hồng, Rosa damascena) vv...

Trong một số trường hợp tinh dầu hoa được điều chế bằng phương pháp cất, ví dụ tinh dầu Hoa cam đắng, Nerioli oil, một lượng đáng kể tinh dầu tan trong nước dưới dạng nhũ dich, không tách ra được, sẽ được chiết xuất bằng dung môi, cất thu hồi dung môi, ta sẽ có tinh dầu với tên trên thị trường là "Water absolute oil", ví dụ Orange flower water absolute oil" là tinh dầu Hoa cam đắng được điều chế bằng phương pháp này.

- Phương pháp chiết xuất tinh dầu tốt nhất hiện nay là phương pháp chiết xuất bằng CO2 lỏng. Phương pháp này cho hiệu xuất cao, cho tinh dầu chất lượng tốt, thường áp dụng chiết xuất các tinh dầu của hoa, tinh dầu quý hiếm. Hạn chế của phương pháp này là đòi hỏi thiết bị đắt tiền, vì vậy đến nay chưa được ứng dụng rộng rãi.

Chiết xuất tinh dầu bằng khí hoá lỏng (khí ở trạng thái siêu tới hạn)

Từ năm 1870, khi chất lỏng siêu tới hạn (CLSTH) được ứng dụng vào quá trình tách chiết các chất trong dược liệu cho hiệu quả thương mại, nó được sử dụng làm môi trường cho các phản ứng hoá học, chế biến vật liệu và tách chiết. Tuy vậy, do chi phí tăng và nhiều bất lợi liên quan tới áp lực cao, ngành công nghiệp đã không tích cực áp đụng loại dung môi mới này cho công nghệ sản xuất vốn có. Ngược lại, ở các phòng phân tích người ta dùng rộng rãi CLSTH để chiết và phân tích sắc ký nhờ tính chất đặc biệt của nó, đồng thời, để giảm sử dụng dung môi hữu cơ độc hại,gây ô nhiễm môi trường. Chất lỏng hàng đầu hiện được sử dụng trong những phương pháp nói trên là đioxyt cacbon siêu tới hạn (CO2 STH). Nó không độc hại, không cháy, cho hiệu suất cao, thời gian chiết nhanh, . Một ưu điểm khác của CO2 STH làm nó nổi bật nhất so với các dung môi vẫn sử dụng trước đây là tính chất dễ tách khỏi sản phẩm, cho tinh dầu tinh khiết và giữ được hương vị tự nhiên. Quá trình chiết tách bằng CO2 còn được gọi là "quá trình không dung môi".

Chú thích ảnh

Quá trình chiết được thực hiện tuần hoàn, khép kín. CO2 được điều chỉnh đến nhiệt độ thích hợp theo từng nguyên liệu và được bơm cao áp đưa tới thiết bị chiết. Quá trình chiết xảy ra rất nhanh, CO2 lỏng mang theo tinh dầu được lọc qua thiết bị 3 và được làm bay hơi, CO2 được đưa về thiết bị chứa 5, ở đây được hoá lỏng và nén để rồi tiếp tục theo chu trình tuần hoàn. Các chất chiết được (tinh dầu) được chuyển về bình chứa 6. Phương pháp này được sử dụng nhiều để chiết tinh dầu của hoa dùng cho kỹ nghệ hương liệu và dược phẩm.

Sơ đồ hệ thống chiết xuất bằng CO2 lỏng siêu tới hạn

1. Bình chứa CO2 lỏng

2. Thiết bị chiết

3. Lọc dịch chiết

4. Thiết bị làm bay hơi

5. Bộ phận làm lạnh, nén khí CO2

PHƯƠNG PHÁP ƯỚP

Dùng khuôn bằng gỗ có kích thước 58 x 80 x 5cm ở giữa đặt tấm thuỷ tinh được phết mỡ lợn cả 2 mặt, mỗi lớp dày 3mm. Ðặt lên trên bề mặt chất béo một lớp lụa mỏng, rải lên trên 30 - 80g hoa tươi, khô ráo, không bị giập nát, đã loại bỏ lá đài. Khoảng 35 - 40 khuôn gỗ được xếp chồng lên nhau rồi để trong phòng kín. Sau 24 - 72 giờ tuỳ theo từng loại hoa, người ta thay lớp hoa mới cho đến khi lớp chất béo bão hoà tinh dầu. Có thể dùng mỡ có chứa tinh dầu, hoặc tách riêng tinh dầu bằng alcol và từ dịch chiết alcol có thể điều chế thành dạng "Absolute oil" như đã nêu ở trên

PHƯƠNG PHÁP ÉP

 Phương pháp này chỉ áp dụng để điều chế tinh dầu ở quả các loài Citrus vì những lý do sau:

- Tinh dầu vỏ cam, chanh chủ yếu dùng trong kỹ nghệ sản xuất đồ uống vì vậy cần có mùi giống như mùi tự nhiên,trong khi tinh dầu điều chế bằng phương pháp cất không đạt được yêu cầu này.

- Trong vỏ cam, chanh tinh dầu nằm trong túi tiết ở lớp vỏ ngoài, chỉ cần tác động 1 lực cơ học là có thể giải phóng ra. Vì vậy phương pháp ép rất phù hợp.

- Các túi tiết tinh dầu trong vỏ các loài Citrus được bao bọc bởi các màng pectin. Càng gia nhiệt màng càng đông cứng lại. Nếu muốn điều chế tinh dầu bằng các phương pháp cất, trước hết phải phá vỡ màng này. Có thể dùng các tác nhân sau:

+ Cơ học: Chia nhỏ dược liệu

+ Hoá học: Dung dịch acid hydrocloric hoặc acid oxalic loãng.

+ Enzym

Dịch ép có chứa nhiều pectin, sau khi ép phải lọc, li tâm và bảo quản tinh dầu ở nhiệt độ thấp.

Kiểm nghiêm tinh dầu và dược liệu chứa tinh dầu

Kiểm nghiệm tinh dầu (Bạc hà, Bạch đàn, Hồi, Hương nhu trắng, Long não, Quế, Tràm) Nguồn gốc, tính chất (trạng thái, màu, mùi, vị, độ tan) tỷ trọng, chỉ số khúc xạ, góc quay cực riêng, định tính, Kim loại nặng...)

Xác định các chỉ số lý hoá, hàm lượng một số thành phần được quy định với từng loại tinh dầu trong Dược điển. (Dược điển Việt Nam III có 7 chuyên luận tinh dầu). Các phương pháp kiểm nghiệm tinh dầu có thể chía thành nhóm

- Các phương pháp cảm quan

Nhận xét, đánh giá về màu sắc, mùi vị.

- Xác định các hằng số vật lý

Tỷ trọng, chỉ số khúc xạ, góc quay cực riêng.

- Xác định các chỉ số hoá học

Chỉ số acid, chỉ số ester, chỉ số acetyl

- Định tính các thành phần trong tinh dầu

Phương pháp sắc ký lớp mỏng

Phương pháp sắc ký khí

- Định lượng các thành phần chính trong tinh dầu

Định lượng eugenol trong tinh dầu Hương nhu trắng

Ðịnh lượng citronelal, citral trong tinh dầu Sả (Oleum Citronellae) bằng hydroxylamin hydroclorid

Ðịnh lượng menthol este hóa trong tinh dầu Bạc hà

Ðịnh lượng menthol toàn phần:

Ðịnh lượng citral trong tinh dầu Màng tang (Litsea cubeba Lauraceae) bằng hydroxylamin hydroclorid

Ðịnh lượng Anethol trong tinh dầu Hồi (Illicium verum Illiciaceae) bằng phương pháp xác định nhiệt độ đông đặc

- Phát hiện tạp chất và chất giả mạo trong tinh dầu

Kiểm nghiệm dược liệu chứa tinh dầu

Ðịnh lượng tinh dầu trong dược liệu (Bài 8).

Tinh dầu trong dược liệu được định lượng bằng cách cất kéo hơi nước trong dụng cụ quy định. Dịch cất được hứng vào một ống chia độ được phân độ tới 1/20 ml và pha nước được chảy tự động trở lại bình cất. Thể tích tinh dầu cất được có thể đọc trực tiếp ở phần chia độ của ống này hoặc có thể dùng xylen hoà tan tinh dầu để đưa tinh dầu nổi lên phần chia độ của dụng cụ (đối với tinh dầu có tỷ trọng lớn hơn 1) rồi đọc thể tích tổng cộng của xylen và tinh dầu.

Hàm lượng tinh dầu được biểu thị bằng phần trăm (tt/kl).

Các chỉ tiêu, phương pháp kiểm nghiệm, đánh giá dược liệu thông thường khác.

Ứng dụng tinh dầu và dược liệu chứa tinh dầu

Một số tinh dầu và dược liệu chứa tinh dầu được dùng làm thuốc. Tác dụng của tinh dầu được thể hiện:

- Tác dụng trên đường tiêu hoá: Kích thích tiêu hoá (Gừng, Riềng, Tía tô, Kinh giới...), lợi mật, thông mật

- Tác dụng kháng khuẩn và diệt khuẩn: Tác dụng trên đường hô hấp như tinh dầu bạch đàn, bạc hà. Tác dụng trên đường tiết niệu như tinh dầu hoa cây Barosma betulina.

- Một số có tác dụng kích thích thần kinh trung ương: Dược liệu chứa tinh dầu giàu anethol: Ðại hồi...

- Một số có tác dụng diệt ký sinh trùng:

+ Trị giun: Tinh dầu giun, santonin.

+ Trị sán: Thymol,

+ Diệt ký sinh trùng sốt rét: Artemisinin.(Thanh hao hoa vàng)

- Rất nhiều tinh dầu có tác dụng chống viêm, làm lành vết thương, sinh cơ v.v.. khi sử dụng ngoài da (Tinh dầu Tràm).

Một số dùng làm thuốc.vừa ở dạng dược liệu vừa sử dụng dạng tinh dầu như quế, hồi, đinh hương, tiểu hồi, bạc hà, hạt mùi, bạch đàn Nhưng cũng có những dược liệu chỉ sử dụng tinh dầu như: Long não, màng tang, dầu giun v.v.. Và cũng có rất nhiều dược liệu chứa tinh dầu chỉ sử dụng dược liệu để làm thuốc mà không sử dụng tinh dầu như đương qui, bạch truật, thương truật, phòng phong v.v..

Kỹ nghệ thực phẩm:

- Một lượng lớn dược liệu chứa tinh dầu được tiêu thụ trên thị trường thế giới dưới dạng gia vị: Quế, hồi, đinh hương, hạt cải, mùi, thì là, thảo quả, hạt tiêu v.v.. Tác dụng của những dược liệu này là bảo quản thực phẩm, làm cho thực phẩm có mùi thơm, kích thích dây thần kinh vị giác giúp ăn ngon miệng. Ngoài ra còn kích thích tiết dịch vị giúp cho sự tiêu hoá thức ăn dễ dàng.

- Một số tinh dầu và thành phần tinh dầu được dùng làm thơm bánh kẹo, các loại mứt, đồ đóng hộp ...: vanilin, menthol, eucalyptol v.v..

- Một số dùng để pha chế rượu mùi: Tinh dầu hồi, tinh dầu đinh hương...

- Một số được dùng trong kỹ nghệ pha chế đồ uống: Tinh dầu vỏ cam, chanh ...

- Một số tinh dầu được dùng trong kỹ nghệ sản xuất chè, thuốc lá: Tinh dầu Bạc hà, hoa nhài, hạt mùi...

Một điều cần lưu ý khi sử dụng tinh dầu và dược liệu chứa tinh dầu trong thực phẩm là không nên quá lạm dụng, vì không phải tinh dầu không độc. Vì thế người ta có những quy định rất chặt chẽ khi sử dụng tinh dầu: quy định liều thường dùng, liều tối đa trong thức ăn cũng như trong đồ uống hoặc và các chế phẩm khác với từng loại tinh dầu.

Kỹ nghệ pha chế nước hoa, xà phòng, mỹ phẩm, các hương liệu khác:

Ðây là một ngành công nghiệp rất lớn, sử dụng chủ yếu là nguồn tinh dầu trong thiên nhiên, ngoài ra còn có những chất thơm tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Xu hướng ngày càng sử dụng các hương liệu tự nhiên, đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu phát hiện nguồn tài nguyên tinh dầu nhằm thoả mãn yêu cầu của lĩnh vực này.

Ghi chú:

Trong hoá học, hợp chất aliphatic là các hợp chất hữu cơ trong đó các nguyên tử carbon liên kết với nhau tạo thành mạch thẳng hay mạch nhánh. Hợp chất alipatic đơn giản nhất là metan (CH4)

MỘT SỐ DƯỢC LIỆU CÓ KHẢ NĂNG KHAI THÁC TINH DẦU Ở VIỆT NAM

Ngoài những dược liệu đã được trình bày ở trên, xin giới thiệu thêm một số có khả năng khai thác ở Việt Nam, trong đó có những dược liệu đã và đang khai thác tinh dầu, một số khác là kết quả nghiên cứu phát hiện của nhiều tác giả trong thời gian gần đây. Sự nghiên cứu thành phần hoá học của nhiều chủng loại ở các địa phương khác nhau, của nhiều bộ phận trong cùng 1 cây đã phát hiện thêm 1 số chemotype mới, làm giàu thêm nguồn nguyên liệu tinh dầu ở Việt Nam.

1. Vông vang. Abelmoschus moschatus Medik.(Syn. Hibiscus moschatus L.), họ Bông (Malvaceae)

Bộ phận dùng: hạt để cất tinh dầu

Tinh dầu hạt: Tinh dầu hạt Vông vang còn được gọi là tinh dầu hạt xạ- Oleum Abelmoschi Seminis-, tên thương phẩm là Ambrette Seed oil.

Tinh dầu được điều chế bằng phương pháp cất kéo hơi nước hoặc chiết xuất với dung môi. Hàm lượng tinh dầu trong hạt là 0,2 - 0,6%.

Thành phần chính: farnesyl acetat 62,9%, ambretolid 7,8%, decyl acetat 5,6 %, dodecyl acetat 4,0%, farnesol 3,5%.

Tinh dầu hạt xạ Việt Nam có các thành phần chính: 2,3-dihydrofarnesyl acetat 42,5 - 56,3%, farnesyl acetat 13,5 - 25,4%, ambretolid 6,8 - 8,6%.

Tinh dầu hạt xạ được dùng để sản xuất nước hoa và các hương liệu cao cấp cho kỹ nghệ thuốc lá, bánh kẹo, đồ uống. Giá 1 kg tinh dầu ở thời điểm 1998 là 5.000 USD.

2. Nhân trần - Adenosma bracteosum Bonati., họ hoa mõm sói ( Scrophulariceae)

Phần trên mặt đất có chứa tinh dầu.

Thành phần chính của tinh dầu là carvacrol (34%), methyl carvacrol (18,9%).

3. Nhân trần- Adenosma caeruleum R. Br.

Họ Hoa mõm sói ( Scrophulariceae)

Thu hái ở Ðăk Mil (Ðăk Nông).

Phần trên mặt đất chứa 0,5% tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là thymol (24,6%), nerolidol (24,6%), α-humulen (16,4%), β-bisabolen (5,7%), humulen oxid (3,6%), caryophylen oxid (2,8%).

4. Nhân trần - Adenosma glutinosum (L.) Druce var. caeruleum (R.Br.) Tsoong

Họ Hoa mõm sói (Scrophulariceae)

Thu hái ở Tân kỳ (Nghệ An)

Phần trên mặt đất có chứa tinh dầu (0,38%) (tính trên nguyên liệu tươi). Thành phần chính của tinh dầu là eugenol (72,6%)

5. Thổ hoắc hương- Agastache rugosa (Fisch. Et Mey) Juntze

Họ Hoa môi (Lamiaceae)

Mọc hoang ở vùng đồng bằng và vùng núi

Bộ phận dùng: phần trên mặt đất

Phần trên mặt đất có chứa tinh dầu, thành phần chính của tinh dầu là methylchavicol (>90%)

6. Cây Dó (Trầm hương)- Aquilaria malaccensis Lamk. (Syn. Aquilaria agallocha Roxb.)

7. Chổi xuể- Baekea frutescens L.

Họ Sim (Myrtaceae)

Bộ phận dùng: Lá và cành

Thành phần: Tinh dầu 1,94 - 3,72%

Thành phần chính của tinh dầu là cineol (<30%), ngoài ra còn có các alcol khác và tasmanon. Ðặc biệt tinh dầu chổi xuể Quảng Bình có chứa 22,9 - 24,3% tasmanon

Ðược dùng như tinh dầu Tràm.

8. Ðại bi - Blumea balsamifera DC (http://caythuocvn.com/Cay%20thuoc%20dlieu/Dai%20bi%20c.jpg)

Họ Cúc - Asteraceae

Lá có chứa tinh dầu

Thành phần chính của tinh dầu là borneol và L-camphor. Tỷ lệ borneol và camphor thay đổi theo từng vùng: Hà Giang: 97% borneol, 1,12% camphor; Hà Nội: 50,57% và 18,71% Ðăk Mil (Ðăk Nông): 5,70% và 70,05%.

Lá và tinh dầu được dùng chữa cảm cúm, đau mắt, đau bụng, ho lâu ngày v.v.

9. Vù hương , Xá xị - Cinnamomum parthenoxylon Meissn.

Họ long não - Lauraceae

* Vù hương Hà Bắc:

- Gỗ chứa tinh dầu (2,9%).

Thành phần chính của tinh dầu là safrol (96,4%).

- Lá có chứa tinh dầu (1,9%)

Thành phấn chính của tinh dấu là linalol (91,42%)

* Vù hương Vĩnh Phú

- Gỗ có chứa tinh dầu (2,47 - 2,60%)

Thành phần chính của tinh dầu là safrol (90 - 93%)

- Lá có chứa tinh dầu (3,20 - 3,56%).

Thành phần chính của tinh dầu là methyl eugenol (98%).

Thường dùng gỗ gốc để khai thác tinh dầu.

Tinh dầu Vù hương hay Xá xị, Oleum Sassafras, tên thương phẩm Chinese Sassafras oil, được dùng trong kỹ nghệ hương liệu (bán tổng hợp heliotropin), dùng làm hương liệu trong kỹ nghệ thực phẩm. Hiện nay do nhiều lý do, tinh dầu gỗ Vù hương thuộc mặt hàng nhà nước quản lý.

10. Húng chanh - Coleus aromaticus Lour., họ Bạc hà - Lamiaceae

Lá có chứa tinh dầu (0,05-0,12%) (tính trên nguyên liệu tươi).

Thành phần chính của tinh dầu là carvacrol (39,5%).

Lá dùng làm rau gia vị, chữ ho. Tinh dầu không được khai thác vì hàm lượng thấp.

11. Nghệ- Curcuma longa L., họ Gừng (Zigiberaceae)

Bộ phận dùng: -Thân rễ nghệ tươi hoặc phơi khô, tên thương phẩm: Turmeric, -Tinh dầu nghệ- Oleum Curcuma longae, tên thương phẩm: Turmeric oil

- Nhựa dầu nghệ, tên thương phẩm Turmeric oleoresin

- Curcumin

Tinh dầu nghệ được điều chế bằng phương pháp cất kéo hơi nước, hiệu suất 1,3 - 5,5%. Thành phần chính của tinh dầu là turmeron (29,5%), ar-turmeron (24,7%), turmerol (20,0%), β-curcumen (2,5%) và các hợp chất sesquiterrpen khác.

Nhựa dầu nghệ được điều chế bằng phương pháp chiết xuất với dung môi, hiệu xuất

?6 - 10%. Nhựa dầu có chứa tinh dầu và 35 - 45% curcumin

Curcumin là những tinh thể màu vàng, là một hỗn hợp các hợp chất curcumin I, curcumin II và curcumin II.

Nghệ, tinh dầu nghệ, nhưạ dầu nghệ và curcumin là những gia vị, chất thơm và chất màu rất quan trọng trong kỹ nghệ thực phẩm. Nghệ và curcumin ngoài ra còn được dùng trong kỹ nghệ Dược để sản xuất thuốc chống viêm đường tiêu hoá, thuốc thấp khớp và đặc biệt chữa các bệnh về da. Curcumin là chất chống oxyhoá được sử dụng nhiều hiện nay.

12. Kinh giới núi- Elsholtzia blanda (Benth.) Benth.

Họ Hoa môi (Lamiaceae)

Kinh giới núi mọc hoang có nhiều chủng hoá học khác nhau:

- Chủng cho tinh dầu giàu linalol (>70%)

- Chủng cho tinh dầu giàu linalol (50%) và cineol (20%)

- Chủng cho tinh dầu giàu α-naginaten (53 - 65%)

- Chủng cho tinh dầu giàu α-naginaten (43%) và dehydro elsholtzia keton (14%)

- Chủng cho tinh dầu giàu dehydro elsholtzia keton (58%) và α-naginaten (12%)

Trong đó chủng giàu linalol có ý nghĩa khai thác tinh dầu.? Ðây có thể là nguồn nguyên liệu cho tinh dầu giàu linalol có giá trị ở Việt Nam.

13. Kinh giới trồng- Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.

Họ Hoa môi (Lamiaceae)

Mọc hoang và được trồng khắp nơi để dùng làm rau gia vị. Dù là mọc hoang (ở Sa Pa) hay trồng (ở Hà Nội), thành phần tinh dầu rất ít thay đổi. Thành phần chính là neral (19,5 - 27,3%), geranial (19,5 - 27,3%).

14. Chùa dù- Elsholtzia penduliflora W. W. Smith

Họ Hoa môi (Lamiaceae)

Thành phần chính củatinh dầu tinh dầu là cineol (60,0 - 65,2%).

Ðây có thể coi là nguồn nguyên liệu khai thác tinh dầu giàu cineol của Việt Nam sau cây tràm.

15. Kinh giới đất- Elsholtzia winitiana Craib.

Họ Hoa môi (Lamiaceae)

Thành phần hoá học của tinh dầu kinh giới đất cũng rất đa dạng. Có những chủng cho tinh dầu giàu cinol (Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An), hoặc giàu cineol, camphor (21,5%, 19,1%, ở Sa Pa), hoặc giàu elsholtzia keton (75,4%, Sa Pa). Cần kiểm tra lại để đi đến thống nhất.

16. Châu thụ- Gaultheria procumbens L. (Syn. Gaultheria fragrantissima Wall.)

Họ Ðỗ quyên (Ericaceae)

Lá có chứa 0,7%, cành nhỏ 0,47%, thân 0,21%,rễ 0,37% tinh dầu.

Thành phần chính của tinh dầu là methyl salicylat (96,8 - 99,0%)

Tinh dầu châu thụ- Oleum Gaultheriae, tên thương phẩm Wintergreen oil, được dùng làm hương liệu trong kỹ nghệ pha chế đồ uống, bánh kẹo.

17. Thiên niên kiện - Homalomena aromatica Schott.

Họ Ráy - Araceae

Thân rễ có chứa tinh dầu (0,8-1%).

Thành phần chính của tinh dầu là linalol (72,1%).

18. É lớn tròng - Hyptis suaveolens (L.) Poit.

Họ hoa môi - Lamiaceae

Phân trên mặt đất có chứa tinh dầu.

Thành phần chính của tinh dầu là eugenol (68,2% Tân Kỳ,Nghệ An), hoặc cineol và β-caryophylen ( 7,3 và 44,3% ở Phú Quốc; 24,4 và 30,3% ở Vũng Tàu; 28,2 và 30,8 ở Ninh Thuận).

19. Hồi núi - Illicium griffithii Hook. et. Thom.

Họ Hồi - Illiciaceae

- Quả có chứa tinh dầu (1,5%)

Thành phần chính là safrol (77,5%).

- Lá có chứa tinh dầu ( 3%

Thành phần chính của tinh dầu là safrol (Lạng Sơn, Nghệ An), hoặc safrol và methyl eugenol (Lạng Sơn, loại cuống hoa dài), hoặc linalol và safrol (Ninh Bình).

- Rễ có chứa tinh dầu.

Thành phần chính của tinh dầu là safrol (70%).

Ngoài ra lá và quả một số loài hồi núi ở Việt Nam đã được nghiên cứu. Thành phần hoá tinh dầu rất khác nhau, nhưng có một điểm chung là tinh dầu các loài hồi núi hoàn toàn không có chứa anethol. Cần lưu ý để tránh nhầm lẫn và để phát hiện giả mạo khi có hồi núi trộn lẫn vị dược liệu Ðại hồi để bán trên thị trường.

20. Hồi nước - Limnophila rugosa (Roth.) Merr.

Họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae

Mọc hoang ở Bắc Giang, Sa Pa

Phần trên mặt đất có chứa tinh dầu (3,27%).

Thành phần chính của tinh dầu là anehtol (94,8 - 96,4%).

21. Màng tang - Litsea cubeba Pers.

Họ Long não - Lauraceae

Quả chứa tinh dầu (trên 6%).

Thành phần chính của tinh dầu quảlà citral (65%).

Thành phần tinh dầu lá rất đa dạng, tạo nên nhiều chủng hoá học khác nhau. Ðáng chú ý là các chủng giàu cineol và linalol. Ðặc biệt là chủng cho tinh dầu giàu linalol đã được phát hiện ở Ba Vì, với hàm lượng linalol trên 90%. Cần nghiên cứu nhân giống để có nguồn nguyên liệu giàu linalol rất có giá trị.

22. Tràm trà- Melaleuca alternifolia (Maiden & Betche) Cheel

Họ Sim (Myrtaceae)

Nguồn gốc ở Australia, Việt Nam đã di thực hiện trồng ở các tỉnh phía Nam.

Lá có chứa tinh dầu (1,8%). Thành phần chính là terpinen-4-ol.

23. Men rượu - Mosla chinensis Maxim (Syn. Orthodon chinensis (Maxim) Kudo)

Họ hoa môi - Lamiaceae

Thu hái ở Lục Ngạn (Bắc Giang).

Phần trên mặt đất có chứa tinh dầu (0,51%).

Thành phần chính của tinh dầu là thymol (68,3-70%).

24. Vương tùng - Murraaya sp.

Họ Cam - Rutaceae

Lá có chứa tinh dầu (5,52%)

Thành phần chính của tinh dầu là menthon (93,78 - 99,49%) bao gồm iso menthon và

Menthon

25. Húng quế - Ocimum basilicum L. var. basilicum

Họ hoa môi - Lameaceae

Phần trên mặt đất có chứa tinh dầu (0,4-0,8%) (tính trên nguyên liệu tươi). Thành phần chính của tinh dầu là methyl chavicol (89-90%).

Tinh dầu húng qué? Oleum Basilici, tên thương phẩm là Basil oil được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm làm hương liệu để chế biến thức ăn và đồ uống. Ngoài ra còn dùng trong kỹ nghệ nước hoa. Dược liệu được dùng làm rau gia vị, dùng tươi và cả khô.

26. Trà tiên (É trắng) - Ocimum basilicum var. pilosum (Wild.) Benth.

Họ hoa môi - Lamiaceae

- Cành mang lá có chứa tinh dầu (0,97-2,06%). Thành phần chính của tinh dầu là citral (67,82%) (citral a 32,27%, citral b 27,54%). Loại trồng ở Hà Nội hàm lượng citral có thể đạt trên 80%.

- Từ quần thể Trà Tiên, đã chọn được một số các thể biến dị (về lá, hoa và chiều cao của cây). Loại é này mang trồng riêng, cho hàm lượng tinh dầu 0,35% (trên nguyên liệu tươi). Thành phần chính của tinh dầu là linalol 78,9%.

Ghi chú

Sở - Camellia sasanqua Thunb

Họ Chè - Theacea

Theo những nghiên cứu mới đây (Tạp chí Dược học 1994, 4, 16 - 17), lá sở - Camellia sasanqua Thunb. Họ Chè - Theaceae, hầu như không có chứa tinh dầu (hàm lượng tinh dầu trong lá là 0,0026%) và tinh dầu không có chứa eugenol. Cần lưu ý thông tin này, vì lâu nay theo một số tài liệu được lưu hành ở Việt Nam thì lá sở có chứa 0,4 - 1% tinh dầu (tính trên nguyên liệu tươi) và thành phần chính của tinh dầu là eugenol (95 - 97%).

Công thức 16 thành phần chính của tinh dầu: α - và β -pinen, geraniol, linalol, menthol, borneol, citral, citronelal, menthol, camphor, cineol, ascaridol, eugenol, methylchavicol, anethol, safrol và aldehyd cinnamic.